Đài Loan (Trung Quốc) sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dịch vụ việc làm

  • 22/02/2024
  • 689

Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông báo sửa đổi một số nội dung trong quy định về Cấp phép và giám sát các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân (Luật Dịch vụ việc làm Đài Loan)

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có thông báo liên quan đến việc phía Đài Loan (Trung Quốc) sửa đổi một số nội dung trong quy định về cấp phép và giám sát các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân (Luật Dịch vụ việc làm Đài Loan), trong đó có nội dung sửa đổi liên quan đến công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài (doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan).

Cụ thể, sửa đổi điểm 15, khoản 1, Điều 31 quy định về điều kiện cấp phép và gia hạn cấp phép của công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài. Theo quy định mới này, công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài sẽ không được gia hạn cấp phép hoặc bị huỷ bỏ giấy phép nếu trong vòng 2 năm trước khi nộp hồ sơ gia hạn giấy phép các công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài có số lao động bỏ trốn trong vòng 30 ngày đầu sau khi nhập cảnh đạt đến tỉ lệ và số người quy định tại Bảng 2 Điều 31.

Đài Loan (Trung Quốc) sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dịch vụ việc làm- Ảnh 1.

Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang là một trong ba thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam đến làm việc

Bên cạnh đó, sửa đổi Điều 31.1 quy định cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan định kỳ vào các tháng 3, 6, 9 và 12 hàng năm kiểm tra số lượng và tỉ lệ lao động nước ngoài bỏ trốn trong vòng 30 ngày (thay vì 1 tháng như trước đây) sau khi nhập cảnh của các công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài nếu vượt quá số lượng và tỉ lệ trong Bảng 2 của Điều 31 sẽ thông báo cho Cơ quan đại diện của Đài Loan tại nước ngoài để tạm dừng cấp thị thực cho lao động nước ngoài do công ty dịch vụ nhân lực đó phái cử.

Ngoài ra, sửa đổi khoản 12, Điều 15 quy định điều kiện cấp phép thành lập, gia hạn cấp phép của công ty môi giới nhân lực Đài Loan nếu người lao động nước ngoài bỏ trốn trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh, nguyên nhân là do công ty môi giới nhân lực Đài Loan không thực hiện đầy đủ trách nhiệm về tiếp nhận người lao động nước ngoài thì những lao động bỏ trốn này sẽ bị tính vào số lượng và tỷ lệ lao động bỏ trốn của công ty môi giới nhân lực Đài Loan (Trung Quốc), không tính vào số lượng và tỉ lệ lao động bỏ trốn của công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài.

Số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH, Đài Loan hiện là một trong 3 thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong nhiều năm qua. Chỉ tính riêng trong năm 2023, số lượng người lao động Việt Nam đến nước này làm việc khoảng trên 260.000 người, xếp vị trí thứ 2, sau thị trường dẫn đầu là Nhật Bản với khoảng 380.000 lao động người Việt Nam đang sinh sống và làm việc.

Hiện tại, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Hiện có hơn 500 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam lao động nước ngoài. 

Nguồn: Nld.com.vn